TÔI NGHE VÀ TÔI THẤY…



Riêng tặng các em, các cháu ĐG-HHT
nhân mùa Trung thu.

Tôi nghe nói có người
mua giấy chứng nhận của sự học bằng tiền,
làm bùa thiêng đeo trước ngực,
đồng thời
đặt dưới chân làm bục…

Tôi thấy có quá nhiều người
thản nhiên nhận và trao nhau sự sỉ nhục,
trong chiếc phong bì
không cần
thầm thì mua bán…

Có buồn không,
con cháu Lạc Hồng ?

Vì đất nước ngày mai,
Hãy như vầng trăng sáng !

Vugia
K7 ĐG-HHT

By Đông Giang-Hoàng Hoa Thám Đà Nẵng Thẻ

NGƯỜI LỚN HÁT ĐỒNG GIAO

Người lớn hát đồng dao

Học giả Đào Duy Anh giảng nghĩa: “đồng dao là câu hát của trẻ con” (Hán-Việt từ điển, NXB Văn hoá-Thông tin, 2005). Và hầu hết các công trình giới thiệu về đồng dao thường cho rằng, đó là những bài hát dân gian có nội dung và hình thức phù hợp với trẻ con, do trẻ con hát; một số bài gắn với một số trò chơi (vừa làm trò vừa hát), hoặc một số bài do các em hát để trêu chọc lẫn nhau… Trong thực tế, có những bài hát được xem là đồng dao nhưng trẻ con không hát. Phần lớn trong các bài hát ấy, người lớn vừa hát vừa làm trò cho trẻ vui.
Từ thuở còn nằm nôi, mỗi chúng ta đều nghe lời ru của bà, của mẹ… Và khi lớn lên nghiệm lại, ấy là những bài ca nhân nghĩa dạt dào yêu thương, và cũng có khi là bài ca ai oán, sầu thảm… Thi thoảng mẹ bận việc, cha lại ru con theo nhịp đưa nôi với những lời ca ngộ nghĩnh, vu vơ… Ví như: “Trời mưa, trời gió đùng đùng? Cha con lão khùng đi gánh cứt trâu/ Đem về đổ bí, đổ bâù…. ” hoặc “Chiều chiều con quạ lợp nhà/ Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh/ Mẹ ở nhà xẻ bí nấu canh/ Bỏ thơm cho ngọt, bỏ hành cho ngon…” v.v…
Lúc trẻ con bíết lật, biết bò, biết ngồi, rồi chập chững đứng chựng… thì người lớn bày ra những trò làm bò, cởi ngựa; gắn với các hình thức diễn xướng là các trò chơi đầu đời của tuổi ấu thơ: vỗ tay, vuốt nổ, cất rớ, xay lúa…
Trẻ bắt đầu biết quan sát, người lớn tập bé chơi trò vỗ tay theo nhịp của lối nói vè:
Vỗ tay/ vỗ tay
Bà cho ăn bánh
Không vỗ tay
Bà đánh trên đầu
Vỗ tay/ Vỗ tay
Bà cho ăn xôi
Không vỗ tay
Bà lôi xuống bàu
Vỗ tay/ vỗ tay….

Một dị bản khác:
Vỗ tay/vỗ tay
Bà cho ăn bánh
Không vỗ tay
Bà đánh trên đầu
Bà xô xuống cầu
Bà cho ăn c..
Vỗ tay/ vỗ tay…

Nói vậy thôi, chứ trẻ không vỗ tay thì chẳng có người lớn nào đánh trên đầu, lôi xuống bàu ,xô xuống cầu, cho ăn c…. đâu.
Trò vuốt nổ thì người lớn cùng tham gia với trẻ, ngồi đối diện nhau, hai tay cùng vuốt, cùng vỗ với nhau và cùng hát theo các bài vỗ tay.
Khi bắt đầu ngồi vững vàng, người lớn tập tành cho bé chơi những trò mới thích hợp hơn. Trò cất rớ bắt chước động tác dòng rớ xúc cá ở sông, hồ… Đây là trò chơi mà người lớn thường ngồi trên ghế, giường…thỏng chân xuống, đặt bé ngồi trên mu bàn chân, hai tay người lớn nắm hai tay của bé (cũng có khi người lớn nằm trên giường, đặt bé ngồi trên vế hoặc mu bàn chân) và cất lên-hạ xuống , nhịp nhàng theo nhịp cất rớ:
Cất rớ/ cất rớ
Được mớ cá căn
Đem về kho ăn
Chạy ra cất rớ
Cất rớ/ cất rớ…

Cù cưa cút kít là trò giống như động tác hai người ngồi xẻ gỗ (có lẽ, cưa là công việc của những người thợ này). Trò này, người lớn ngồi đối diện với trẻ, tay lớn nắm tay bé và đẩy qua-đẩy lại, hát theo nhịp:
Cù cưa cút kít
Con nít rúc ra
Ông già rúc vô
Cù cưa cút kít…
hoặc:
Cù cưa cút kít
Con nít lợp nhà
Ông già đi học
Cù cưa cút kít…

Theo kiểu đẩy dần xay cối xay lúa, xay bột…, người lớn cùng chơi với trẻ trò xay lúa. Ấy là trò người lớn nắm hai tay bé đẩy tới-đẩy lui, hoặc xoay tròn tray bé và đọc vần vè:
Xay lúa/ xay má
Bỏ cá/ chó ăn
Chồng về/ chồng đánh
Nhăn răng/ méo mờm (mồm)
Xay lúa/ xay má…

Với những trò được giới thiệu trên đây, có khi không nhất thiết phải hát theo những bài định sẵn, mà bất kỳ bài vè nào hợp với động tác của trò chơi là được, kể cả đọc những bài vè nói ngược, nói láo… Nói chung, gắn với những trò này là những bài hát vu vơ, ngộ nghĩnh, có khi vô nghĩa về mặt nội dung.
Trẻ dưới một tuổi đã bắt đầu được người lớn tập chơi các trò này rồi. Điều ấy cũng có nghĩa: lúc trẻ chưa biết đi, chưa nói rõ ràng (trừ các cháu là thần đồng) đã bắt đầu làm quen với những động tác vốn là bản năng con người và làm quen với vần vè- vốn là đặc trưng ngữ điệu của tiếng Việt. Ở lứa tuổi ấy, chắc chắn trẻ không hát được mà chỉ nhịp theo lời hát của người lớn. Chính vì vậy, có những trò chơi giữa người lớn cùng tham gia với trẻ, chỉ có người lớn hát mà thôi. Thông thường ở nhịp cuối của một trò chơi ấy là động tác mạnh hơn, và chữ cuối của bài hát cũng được nhấn mạnh hơn (ví dụ như trò xay lúa thì “…chồng về/chồng đánh/ nhăn răng…méo…MỜM!”) và thế là có được giọng cười ngất ngây của trẻ.
Theo thời gian, trẻ lớn dần lên, khi đã biết đi, biết nói thì chúng hoà nhập với bạn bè cùng trang lứa bày ra những trò hợp với lứa tuổi và cùng hát những bài đồng dao có sẵn ứng với các trò chơi, như Dung dăng dung dẻ, Đánh chuyền, Bắt kim thang… Lúc này không cần vai trò người lớn cùng tham gia, có chăng thì người lớn tham gia phần lời bài hát.

PHAN THANH MINH k9

HẠ XƯA

Hạ ơi! Hạ của ngày xưa
Nghiêng nghiêng mắt nhỏ tóc xoà bờ mi
Hây hây đôi má xuân thì
Cho ai ngơ ngẩn thầm vì bước chân
Áo bay trong gió ngại ngần
Em như mây khói mỏng manh bên đời
Tần ngần nhặt cánh hoa rơi
Ép vào cuốn vở thay lời tương tư
Yêu em chẳng dám nói chi
Vụng về ôm mối tình si đợi chờ
Những ngày xưa ấy ngu ngơ
Hạ ơi biết đến bao giờ ta quên

Mai Tự Tạo
K3 ĐG-HHT

]

By Đông Giang-Hoàng Hoa Thám Đà Nẵng Thẻ